Nghẹt mũi là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Nghẹt mũi tuy không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm mũi xoang cấp tính và khó điều trị về sau.
1. Nguyên nhân gây nghẹt mũi là gì?
Nghẹt mũi (hay còn gọi ngạt mũi, tắc mũi) là hiện tượng các mạch máu bên trong mũi bị viêm và các mô sưng lên, đồng thời có một lượng chất nhầy trong mũi, do đó ngăn cản sự lưu thông không khí và làm người bệnh cảm thấy khó chịu khi hít thở.
Nghẹt mũi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp do yếu tố thời tiết hoặc do vệ sinh mũi họng chưa được đúng cách. Khi có các tác nhân gây dị ứng mũi, có thể xảy ra hiện tượng phù nề niêm mạc mũi, nghẹt thở và ứ đọng dịch nhầy gây tắc nghẽn thông khí mũi.
Nghẹt mũi cũng có thể do cảm lạnh, nhiễm khuẩn hô hấp hoặc là một trong các triệu chứng của Covid-19. Bên cạnh đó, nghẹt mũi thường đi kèm với một số triệu chứng khác như đau họng, đau đầu, sổ mũi, ù tai, chảy nước mũi thường xuyên. Tình trạng nghẹt mũi không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không điều trị dễ dẫn tới tình trạng viêm xoang mũi cấp tính và khó điều trị về sau.
2. Cách giảm nghẹt mũi tại nhà
2.1. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm là một cách hỗ trợ giảm triệu chứng nghẹt mũi hiệu quả. Bệnh nhân nên thường xuyên vệ sinh cơ thể để loại bỏ các tác nhân gây kích ứng tai mũi họng. Tắm nước ấm có thể giúp bệnh nhân thư giãn toàn thân, đồng thời hơi nước vào mũi giúp làm loãng dịch nhầy và thông mũi. Sau khi tắm, bệnh nhân nên lau người thật khô và có thể sấy khô tóc để tránh nhiễm lạnh.
2.2. Uống đủ nước và thức uống ấm
Uống nhiều nước sẽ giúp làm tan và loãng dần dịch nhầy, hỗ trợ thông mũi và giảm ngứa họng, hạn chế ho và đau họng. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự khác nhau giữa uống nước ấm và nước lạnh. Tuy nhiên, hơi ấm và chất lỏng ấm có thể khiến bệnh nhân thoải mái và đẩy nhanh quá trình thông thoáng mũi hơn. Người trưởng thành được khuyến cáo uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và nên uống nhiều nước hơn khi đang mắc các bệnh lý tai mũi họng.
Nếu bị nghẹt mũi do cảm lạnh, bệnh nhân cũng có thể uống trà chanh gừng ấm. Vitamin C trong thức uống có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm độ nặng của bệnh, gừng hỗ trợ thông mũi. Nếu đau họng, có đờm trong họng, bệnh nhân có thể thêm mật ong vào để hỗ trợ giảm ho.
2.3 Tạo độ ẩm không khí trong nhà
Không khí đủ độ ẩm sẽ khiến bệnh nhân dễ chịu. Do đó, bệnh nhân nên trang bị máy tạo độ ẩm hoặc thiết bị phun sương trong nhà, văn phòng để giảm nghẹt mũi. Hít thở không khí ẩm, trong lành là một trong những cách giảm nghẹt mũi nhanh nhất, giúp làm dịu các mô mũi kích ứng, giảm viêm xoang và loãng dịch nhầy. Ngoài ra, bệnh nhân lưu ý thay nước, vệ sinh thiết bị thường xuyên để tránh vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong máy.
2.4 Xịt rửa mũi
Sử dụng các dung dịch xịt mũi sẽ giúp vệ sinh, đẩy chất nhầy ra khỏi mũi và giảm nghẹt mũi hiệu quả. Bệnh nhân nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để tránh bụi bẩn hoặc các tác nhân có thể gây dị ứng bay vào mũi. Bệnh nhân có thể mua và sử dụng các dung dịch xịt mũi tại nhà thuốc và thực hiện theo hướng dẫn trong bào bì hoặc sự tư vấn của nhân viên y tế. Dung dịch xịt mũi phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm dung dịch xịt chứa nước muối, có tác dụng vệ sinh và giảm nghẹt mũi, dịu kích ứng.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng các dụng cụ rửa mũi chuyên dụng với nước cất, nước vô trùng hoặc nước đã đun sôi để nguội để là giảm nghẹt mũi nhanh nhất. Cách rửa mũi bằng dụng cụ này như sau:
- Đứng nghiêng đầu trước bồn rửa mặt
- Đặt vòi của bình rửa vào một bên mũi
- Nghiêng bình cho đến khi nước chảy vào lỗ mũi
- Khi nước chảy vào một bên lỗ mũi, nước sẽ chảy ra qua lỗ mũi còn lại và đẩy chất nhầy ra ngoài
- Bệnh nhân nên thực hiện việc rửa mũi trong khoảng 1 phút rồi đổi bên.
2.5. Chườm gạc ấm và chườm túi nước ấm
Nghẹt mũi khiến bệnh nhân rất khó chịu, đặc biệt là khi ở tư thế nằm. Do đó nhiều bệnh nhân thắc mắc về cách làm giảm nghẹt mũi khi ngủ. Nếu nghẹt mũi dẫn đến đau đầu, khó ngủ, bệnh nhân có thể chuẩn bị gạc ấm hoặc túi chườm nước ấm và đặt lên mũi trước khi ngủ. Tác động nhiệt độ ấm sẽ giúp thông các xoang mũi, loãng dịch nhầy và thông thoáng đường thở nhanh chóng.
2.6. Sử dụng biện pháp xông hơi
Để điều trị nghẹt mũi bằng cách xông hơi, bệnh nhân có thể tiến hành các bước sau:
- Chuẩn bị thiết bị xông hơi chuyên dụng hoặc một thau chứa nước nóng, sau đó thêm vài giọt tinh dầu xả hoặc oải hương để có mùi hương dễ chịu.
- Lấy một khăn to trùm kín đầu để hơi nước nóng trong thau bốc lên. và tiến hành xông trong khoảng 10 phút
- Bệnh nhân nên lặp lại 2 – 3 lần/tuần để điều trị ngạt mũi.
Một điều cần lưu ý khi áp dụng cách xông hơi để chữa nghẹt mũi là cần giữ khoảng cách an toàn giữa mặt và thau nước nóng để không bị bỏng.
2.6 Massage để giảm nghẹt mũi
Đây là một cách làm giảm nghẹt mũi đơn giản và hiệu quả, Bệnh nhân nên nhẹ nhàng massage điểm giữa lông mày trong 1 phút để giúp ngăn ngừa tình trạng khô niêm mạc mũi, đồng thời điều chỉnh áp lực trong xoang trán và giảm nghẹt mũi. Ngoài ra, massage điểm giữa môi trên và mũi trong khoảng 2 – 3 phút cũng có tác dụng giảm sưng các mao mạch trong mũi, làm đường thở thông thoáng, dễ chịu hơn.
2.7 Sử dụng thuốc trị nghẹt mũi
Nếu bệnh nhân bị nghẹt mũi do dị ứng thì có thể dùng thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc điều trị nghẹt mũi nào.
Nếu nguyên nhân gây nghẹt mũi là do kích ứng thì việc dùng thuốc trị nghẹt mũi (thuốc thông mũi) có thể giúp giảm sưng và giảm đau hiệu quả. Thuốc giúp điều trị thông mũi có 2 dạng gồm:
- Thuốc dạng xịt như oxymetazoline (Afrin) và phenylephrine (Sinex)
- Thuốc viên như pseudoephedrine (Sudafed, Sudogest)
Bệnh nhân có thể hỏi mua các loại thuốc thông mũi không kê đơn tại các nhà thuốc. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của dược sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Trên đây là một số cách giúp giảm nghẹt mũi nhanh chóng. Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài hơn một tuần không cải thiện, đặc biệt là kèm theo sốt, đau đầu hoặc đau họng nhiều thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và xử trí phù hợp.