Ngày nay, thực phẩm bổ sung B12 có bán ở mọi hiệu thuốc và siêu thị. Chúng được quảng bá để ngăn ngừa bệnh thiếu máu cũng như bệnh thần kinh, mất trí nhớ, trầm cảm… Vậy chúng ta có nên cân nhắc việc dùng chúng?
B12 (còn được gọi là cobalamin) rất cần thiết để giữ cho não và dây thần kinh khỏe mạnh cũng như tạo ra DNA và hồng cầu. B12 cũng giúp giảm mức homocysteine, một loại axit amin có liên quan (ở mức độ cao) với chứng mất trí nhớ, bệnh tim, đột quỵ và loãng xương.
Chúng ta thường nhận được B12 thông qua chế độ ăn uống. Các nguồn phong phú bao gồm thịt bò, gan, nghêu, thịt gia cầm, cá, ngũ cốc, trứng, phô mai, sữa chua, sữa và sữa thực vật (đậu nành, hạnh nhân…).
Để tiêu hóa B12, trước tiên chúng ta phải tách B12 khỏi những thực phẩm nói trên. Axit dạ dày giúp làm điều đó. Vitamin được giải phóng sau đó liên kết với một protein (yếu tố nội tại, được sản xuất bởi các tế bào trong niêm mạc dạ dày) và đi đến ruột non, nơi nó được hấp thụ vào máu.
Ước tính có khoảng 3,2% số người trưởng thành từ 50 tuổi trở lên có mức B12 rất thấp và có tới 20% có thể bị thiếu hụt. Lão hóa thường là nguyên nhân.
Tiến sĩ Meir Stampfer, giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Đại học Harvard, cho biết: “Chúng ta có xu hướng sản xuất ít axit dạ dày hơn khi già đi. Điều đó khiến việc chiết xuất B12 từ thực phẩm trở nên khó khăn hơn”.
Các nguyên nhân khác gây thiếu B12 bao gồm: dùng thuốc trị ợ nóng ức chế axit dạ dày; ăn một chế độ ăn không bao gồm các sản phẩm động vật; bệnh tự miễn tấn công niêm mạc dạ dày hoặc đường tiêu hóa…
Các triệu chứng thiếu hụt B12 toàn diện bao gồm: trầm cảm; mệt mỏi nhiều hoặc yếu cơ; mất trí nhớ hoặc nhầm lẫn; tê hoặc ngứa ran ở tay và chân (do tổn thương thần kinh); thiếu máu.
Kiểm tra nồng độ B12 trong máu không phải là việc thường xuyên, nhưng nó có thể là một ý tưởng hay ở những người lớn tuổi.
Điều trị tình trạng thiếu B12 có thể đơn giản như ăn nhiều thực phẩm giàu B12 hoặc tránh dùng thuốc trị chứng ợ nóng. Hoặc chúng ta có thể cần bổ sung B12. Sự thiếu hụt có thể được ngăn ngừa với chi phí rất thấp và ít rắc rối bằng cách uống vitamin tổng hợp.
Mặc dù tất cả mọi người từ trẻ sơ sinh đến người già đều cần vitamin B12 nhưng số lượng lại thay đổi theo độ tuổi. Trẻ em từ 1 – 13 tuổi nên bổ sung từ 0,9 – 1,8 microgam mỗi ngày, trong khi thanh thiếu niên từ 14 tuổi trở lên và tất cả người lớn nên bổ sung 2,4 microgam chất dinh dưỡng mỗi ngày. Mức độ cao hơn một chút được khuyến khích cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
Không giống như một số loại vitamin khác, vitamin B12 được cho là cực kỳ an toàn vì không có tác dụng độc hại nào được biết đến khi dùng với số lượng bổ sung nói ở trên.