Omega-3 là axit béo không no cần thiết cho các tế bào thần kinh, thị giác; hoạt động của hệ thống tim mạch, hệ miễn dịch, hệ nội tiết (vai trò sản xuất hormone). Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được dưỡng chất này mà cần bổ sung từ bên ngoài qua thực phẩm.
Axit béo omega-3 gồm ba loại chính là axit alpha-linolenic (ALA), axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). ALA được tìm thấy chủ yếu trong các loại dầu hạt thực vật. DHA và EPA có trong hầu hết loại cá và hải sản.
Với tim mạch, omega-3 có tác dụng ổn định huyết áp, hỗ trợ ngăn ngừa và làm chậm quá trình hình thành các mảng bám trên thành mạch, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, đột quỵ, đột tử liên quan đến những yếu tố tim mạch. Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa PubMed năm 2012 cho thấy sử dụng 1 g ALA mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh mạch vành thấp hơn 20%.
Cụ thể, thành phần DHA và EPA giúp cải thiện rối loạn mỡ máu, giảm lượng cholesterol có hại và tăng lượng cholesterol có lợi, từ đó cũng ngăn ngừa hình thành xơ vữa động mạch. Người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2-3 lần so với người bình thường.
Người bệnh cao huyết áp có thể bổ sung thêm loại axit béo này giúp ổn định huyết áp. Dưỡng chất này cũng có thể giảm độ nhớt của máu, từ đó tăng cường lưu thông máu trên toàn cơ thể.
Mẹ của bạn có thể bổ sung omega-3 qua các bữa ăn với cá (cá hồi, cá thu, cá trích, cá cơm, cá ngừ) 2-3 lần mỗi tuần để thay thế cho thịt. Theo PubMed, bổ sung 3-4g dầu cá thiên nhiên có thành phần EPA và DHA mỗi ngày có thể giảm nồng độ triglycerid 25-30%.
Ngoài ra, mẹ của bạn có thể chọn thêm một số thực phẩm giàu omega-3 khác như rau có màu xanh đậm (cải bó xôi, súp lơ…), đậu nành, quả óc chó, hạt lanh, hạt chia, hàu, trứng gà, tôm.
Omega-3 có nhiều công dụng với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, đây chỉ là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ và chỉ đem lại hiệu quả khi sử dụng đủ liều lượng và đúng thời điểm. Người bệnh tim mạch nên đến bác sĩ khám định kỳ để kiểm soát các chỉ số huyết áp, mỡ máu… và xử trí kịp thời nếu có bất thường.